Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
Xã Chuyên Mỹ thuộc huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội , có một làng tên là Ngọ Hạ, còn gọi là Chuôn Ngọ hay thôn Ngọ, nơi có nghề khảm trai cổ truyền. Với lịch sử ngót 1000 năm, trải qua bao sóng gió thăng trầm, nghề khảm trai được người dân xã Chuyên Mỹ lưu truyền từ đời này qua đời khác và liên tục phát triển, tạo nên một sức sống bền bỉ cho một làng nghề cổ ở Hà Nội. Đến nay, toàn xã Chuyên Mỹ đã có tới hơn 97% hộ dân sống bằng nghề này. Sự phát triển của làng nghề còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại các xã lân cận.
Ngôi đình thờ cụ Trương đã được người dân Chuôn Ngọ xây dựng mới vào năm 2002 dựa trên nền tảng của ngôi đình cũ đã bị chiến tranh tàn phá). Nơi đây được trang trí những bức hoành phi, câu đối do các bàn tay tinh xảo nhất của làng khảm thể hiện. Nổi bật nhất là bức Đại tự có ghi 4 chữ “Công cái hoàn vùi” tạm dịch: Công đầu là gìn giữ bờ cõi, toàn bằng xà cừ (ốc đỏ), có thể nói, đây là bức đại tự khảm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả tác phẩm trưng bày ở đình này đều do dân làng và khách thập phương cu ng tiến, thể hiện lòng thành kính với Nghệ tổ (cụ Trương).
Trải qua biết bao nhiêu đời không ai còn nhớ nữa, người dân thôn Ngọ đã biết mài mỏng trai, ốc, biết làm ra cưa dũa và dao tách để làm dụng cụ. Càng ngày, nghề khảm càng phát triển, làm ra nhiều mặt hàng tinh xảo khác nhau như khay, hộp khảm, tranh khảm và nhiều mặt hàng khảm khác ra đời… Nhiều cụ già ở thôn Ngọ đã được triệu vào Kinh thành Huế để làm hàng khảm cho nhà Vua như cụ Nguyễn Văn Phú, cụ Lý Mục… Đến cuối đời nhà Nguyễn (l920 – 1945), nghề khảm trở nên nổi tiếng với ngành khảm truyền thần. Người đầu tiên vẽ ảnh truyền thần trên vỏ xác khảm trên nền đồng là cụ Bát Nhượng, quê ở Ngô Khê, Hà Nam. Về sau, người truyền thần lại dựa theo lối vẽ đầu tiên này là cụ Lý Thực ở thôn Ngọ, kế tiếp là cụ Cửu Phú, cụ Nhiêu Mình, cụ Phó Loan. Các thế hệ tiếp theo có các cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Nguyễn Văn Nhiên, cụ Trần Bá Chuyển và cụ Nguyễn Văn Mỹ đã trở thành những thợ làm ảnh khảm truyền thần nổi tiếng của thôn Ngọ.
Trước Cách mạng tháng Tám, các sản phẩm chủ yếu của nghề khảm trai thường chỉ được dùng trong đình chùa, miếu mạo hoặc trong cung vua, phủ chúa và gia đình các tầng lớp quý tộc phong lưu, nhưng số lượng cũng không được là bao. Trong kháng chiến chống Pháp, nghề khảm không có điều kiện phát triển, không ít thợ khảm lâm vào tình trạng khó khăn, phải bỏ nghề hoặc tìm đến một nghề khác. Đến khi giải phóng miền Bắc năm 1954, xã đã khôi phục lại nghề khảm trai bằng việc thành lập hợp tác xã thủ công. Hợp tác xã thủ công lúc đầu chưa có địa điểm, phải làm nhờ ở nhà các cụ: Cụ Diêm, cụ Ba Nhỡ, cụ Năm Để và do cụ Nguyễn Văn Bệ làm Chủ nhiệm. Để có việc làm, các cụ không quản bất cứ nghề gì, từ làm khánh đến lâm kim máy khâu; từ hàng khảm trai cho đến lược sừng, bàn chải đánh răng…
Sau này, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, nhiều thợ giỏi đã tham gia nhập ngũ và một số đã hy sinh anh dũng. Khi đó, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đến mức một số nghệ nhân có “Bàn tay Vàng” đã phải quay lại với nghề tổ xưa nhất của làng là “câu cá”. Hầu hết các thợ khảm còn lại trong làng đã chuyển sang sản xuất kim máy khâu, lược sừng và các mặt hàng lưu niệm làm từ xác máy bay Mỹ, nghề khảm trai của làng gần như bị mai một.
Mô hình hợp tác xã thủ công phát triển thành hợp tác xã thủ công chuyên nghiệp. Giai đoạn mở đường bao giờ cũng gian nan, phải mò mẫm tìm tòi, công tác quản lý yếu kém dẫn đến việc hợp tan của các hợp tác xã ở các làng Bối Khê, Chuôn Thượng, Chuôn Trung và cuối cùng, chỉ có duy nhất một hợp tác xã trụ lại được là hợp tác xã Sơn Khảm Ngọ Hà. Từ đó, nghề khảm trai tiếp tục được phát triển, làm ra nhiều sản phẩm mới như những hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè và nhiều sản phẩm khác đáp ứng theo nhu cầu thị hiếu trong nước và quốc tế. Đến nay, hợp tác xã Sơn Khảm Ngọ Hà đã góp phần đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương. Đặc biệt 30 năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường, nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ phát triển mạnh, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, hiếm nơi nào có được.
Nghề làm khảm trai gỗ có 6 công đoạn cơ bản, bao gồm: Vẽ mẫu cho bức tranh (vẽ trên giấy), cưa trai theo nét vẽ, đục gỗ và gắn trai vào gỗ (gắn bằng keo hoặc sơn ta), mài khảm, thể hiện đường nét và cuối cùng là dùng bột đen sơn ta để làm rõ các chi tiết của bức tranh. Sau khi để khô 01 ngày thì cho vào máy mài, và đánh vecni là công đoạn cuối cùng. Bên cạnh khảm trai còn có thêm khảm sơn mài. Để làm được nghề phải là người tỉ mỉ và kỹ tính, nhu mì. Làng Chuôn Ngọ có tới hơn 3.000 người chuyên tâm làm vỏ trai, vỏ ốc để phục vụ cho các nghệ nhân chuyên vẽ tranh đồng quê, tranh phong thủy và khảm bằng vỏ ốc, vỏ trai.
Nét đặc sắc của tranh khảm trai Chuôn Ngọ mà hầu như chưa có nơi nào đạt được, kể cả làng Đồng Kỵ, là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít, tạo thành những đường nét tinh xảo. Chi tiết trang trí trên khảm trai cũng rất sinh động, đặc sắc và có hồn. Trước đây, đề tài khảm thường được những người thợ chọn từ các tích ở truyện Tam Quốc và các truyện cổ khác như: “Tam cố Thảo Lư”, “Văn vương cầu hiền”, hay theo mẫu ước lệ như: Mai, lan, cúc, trúc; chim, hoa; “tứ dân” cảnh 4 người dân thời cổ. Ngày nay, đề tài khảm lại càng phong phú. Ngoài những mẫu cổ trước đây, những người thợ còn chọn mẫu là các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như Chùa Một Cột, Hạ Long, Huế, Sài Gòn… để thể hiện. Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ của trai ngọc môi vàng, nó thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh. Vỏ trai có nhiều loại: Trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu, trai thịt trắng, vỏ mình dầy, trai Nông Cống Thanh Hoá có nhiều vân; ốc biển, có thứ gọi là ốc xà cừ có nhiều ở vùng biển Quy Nhơn, Quảng Nam Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Hến biển có một thứ gọi là vỏ xác, thường có nhiều ở Quy Nhơn. Ngoài ra, còn có một thứ vỏ trai đặc biệt gọi là Cu Không (vì có 9 lỗ ở phía mép vỏ) có vân màu sắc phong phú hơn mầu cầu vồng. Khảm trai cũng có hai loại, khảm nổi và khảm chìm. Muốn làm hàng mặt nổi như núi non, cánh phượng, cánh công thì chỉ vỏ trai Cu Không mới có thể thể hiện được. Từ những mảnh trai vô tri, vô giác, sau khi qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú của người thợ Chuyên Mỹ gắn vào gỗ, đã trở thành những sản phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao. Thôn Ngọ là làng đầu tiên làm nghề khảm trai, bên cạnh là làng Ngọ Hạ nổi tiếng với nghề sơn mài. Hai cái tên của hai làng nghề này gắn với nhau, tượng trưng cho một làng nghề truyền thống sơn khảm trai Chuyên Mỹ.
Nghề khảm trai là một nghề đòi hỏi phải có trình độ thẩm mỹ cao và năng khiếu bẩm sinh. Công nghệ sản xuất có nhiều công đoạn phức tạp, thường được chuyên môn hóa rất cao như vẽ kiểu, dũa, đục, tác và đánh bóng. Ngày nay, công nghệ sản xuất đã hiện đại hơn như sử dụng máy để mài trai. Tuy nhiên, những hình ảnh tinh xảo vẫn phải làm bằng tay. Một nghệ nhân cho dù đã đạt được danh hiệu bàn tay vàng có thể tự sản xuất được nhiều công đoạn, song cũng chỉ có thể đạt được mức tinh xảo và điêu luyện ở một hoặc hai công đoạn mà thôi. Chính vì vậy mà ở thôn Ngọ, truyền thống hiếu học, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong nghề nghiệp, tối lửa tắt đèn có nhau luôn được hòa quyện, xuyên suốt quá trình lịch sử của làng và của nghề.
Những người thợ khéo tay trong làng nghề khảm trai xưa kia vẫn luôn được người dân Chuyên Mỹ lưu truyền học tập như: Cụ Cốc Dạt, cụ Nguyễn Văn Thơm, cụ Nguyễn Văn Đầu, cụ Nguyễn Đình Liêm, cụ Nguyễn Văn Khiển… là những thợ dũa có tên tuổi trong làng. Cụ Cả Tuyên họ Nguyễn Phú, cụ Lý Thực, cụ Cửu Phú… và thế hệ sau có các ông Nguyễn Văn Nhiễm, Trần Bá Dinh, Nguyễn Thuyết Trình, Nguyễn Văn Lạc là những người thợ trứ danh trong làng nghề. Thế hệ thợ ngày nay cũng có nhiều người có tay nghề xuất sắc theo sát bước cha ông như: Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chuẩn, Vũ Văn Oanh, Trần Bá Du ẩn, Nguyễn Văn Liễn… Đặc biệt, thôn Ngọ vinh dự có hai cụ Nguyễn Văn Tố và Trần Bá Chuyển được Nhà nước tặng danh hiệu “Lão nghệ nhân” đầu tiên của Quốc gia, sau này có thêm ông Trần Bá Dinh cũng vinh dự được nhận danh hiệu này. Đã có 3 thế hệ của làng được nhận danh hiệu “Bàn tay Vàng”. Đó là Cụ Nguyễn Văn Tố (vinh dự được nhận danh hiệu này ba lần), ông Trần Bá Dinh, ông Nguyễn Thuyết Trình và thế hệ thứ 3 là anh Nguyễn Đức Biết.
Vinh dự cho làng nghề khảm trai truyền thống Chuôn Ngọ có nghệ nhân Trần Bá Dinh nhiều lần được giao làm các bức tranh quan trọng về Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Năm nay 70 tuổi, Nghệ nhân Trần Bá Dinh đã có 50 tuổi nghề, ông bắt đầu làm nghề từ năm 14 – 15 tuổi, đến năm 20 tuổi thì trở thành một người thợ lành nghề có khả năng làm những sản phẩm có độ tinh xảo cao. Ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng lớn như: Danh hiệu “Lão nghệ nhân”, giải Bàn tay Vàng, đặc biệt là giải Tinh hoa Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2003 với bức tranh khảm trai “Chân dung Bác Hồ”, danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam 2005, Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian…
Sự tinh tế và lòng say mê nghề đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của người dân nơi đây và được truyền từ đời này qua đời khác. Nghề khảm trai truyền thống ở Chuyên Mỹ không chỉ được truyền cho những người trong làng mà còn được truyền cả cho những vùng khác nữa. Lệ làng không cấm các nghệ nhân hay con gái đi lấy chồng xa truyền nghề cho nơi khác. Nhiều thanh niên trong làng đi lập nghiệp, lấy chồng xa xứ đã phát triển nghề và truyền nghề cho nhân dân trong vùng mình lập nghiệp. Các bậc thầy của làng nghề khảm trai đã từng truyền nghề cho nhiều tỉnh bạn như cụ Nguyễn Đình Đụt truyền nghề cho người dân ở Cát Đằng, cụ Nguyễn Phó Thuận đã truyền nghề cho người dân làng Đồng Kỵ và các vùng lân cận. Ngoài ra còn có các cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Nhiệm, Nguyễn Văn Thơm ở Trường Mỹ nghệ Trung ương và cụ Nguyễn Thuyết Trình ở Trường Mỹ nghệ Hà Tây cùng các nghệ nhân và các thợ lành nghề .Thôn Ngọ đã mang hết tài năng truyền dạy cho các giáo sinh, thợ thủ công trong nước và quốc tế. Đó chính là vẻ đẹp truyền thống riêng của làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ. Với lịch sử ngót 1000 năm, trải qua bao sóng gió thăng trầm, nghề khảm trai được người dân xã Chuyên Mỹ truyền từ đời nay qua đời khác và liên tục phát triển, tạo nên một sức sống bền bỉ cho một làng nghề cổ ở Hà Nội.
Ngày nay, các sản phẩm khảm trai, ốc của Chuyên Mỹ ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của người thợ dựa trên những bí quyết công nghệ hết sức nghiêm ngặt, tỉ mỉ và phức tạp được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ khác nhau. Nguyên liệu dùng cho nghề khảm trai ngày nay ở Chuyên Mỹ gồm đủ loại không chỉ trong nước mà còn cả nhập của nước ngoài như Hongkong, Singapore, Indonesia. . . Sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ thể hiện tính độc đáo, trí tuệ của những người thợ thủ công, đồng thời phản ánh tính thời đại và tính hữu dụng cũng như tính thẩm mỹ, tạo nên một sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được nhiều người ưa chuộng, trong đó có cả những khách hàng khó tính ở châu Âu, châu Mỹ. Đến Chuyên Mỹ bây giờ, ta thấy khâm phục và tự hào về một nghề thủ công đang phát triển, những sản phẩm khảm qua đôi bàn tay tài nghệ của các nghệ nhân thật đa dạng, phong phú về chủng loại: Bàn ghế, tủ, tráp, hộp trang kiếm, tranh phong cảnh . . . với kỹ thuật ngày càng tinh xảo, có giá trị về thẩm mỹ cũng như vật chất cao thảm trai Chuyên Mỹ đã từng tham gia các cuộc triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội, có mặt ở các điểm du lịch, các thị trường lớn trong và ngoài nước. Hiện nay, các loại tranh được khách du lịch ưa thích là tranh phong cảnh đồng quê Việt Nam với những cảnh bụi tre, con đò, bến nước, những di sản văn hóa bao gồm chùa chiền, đình làng hoặc tranh tứ bình mai, lan, cúc, trúc hay đào, sen, cúc, hồng . . .
Đến nay, toàn xã Chuyên Mỹ đã có tới hơn 97% hộ dân sống bằng nghề này. Sự phát triển của làng nghề còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại các xã lân cận. Làng khảm thôn Ngọ đang tiếp tục phát huy tiềm năng của mình, xứng đáng là nơi lưu giữ nghệ thuật khảm trai truyền thống và sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp và nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới. Khi nhắc đến thôn Ngọ, không thể không nhắc đến bảy làng nghề của xã. Nghề khảm trai đã đưa dân làng thoát khỏi cảnh nghèo nàn và có nhiều hộ gia đình được coi là “giàu có’. Không chỉ giỏi làm nghề, thế hệ trẻ ngày nay còn rất giỏi trong sản xuất – kinh doanh và đã có những bước đi sáng tạo vượt bậc. Đã có những tỷ phú và Anh hùng Lao động đi lên từ chính đồng đất quê nhà và nghề Tổ khảm trai. Đó là những tỷ phú trẻ Trần Bá Đình, Trần Bá Đàm, Nguyễn Đình Sáo, Nguyễn Phú Huynh, Trần Bá Chiến. . . Họ không chỉ biết làm giàu cho cá nhân, mà còn lo đủ việc làm ổn định cho từ 20 – 30 lao động trong xưởng của mình. Đến với Chuyên Mỹ hôm nay, ta sẽ thấy xuất hiện ngày càng nhiều những tòa nhà cao tầng, những cửa hàng khang trang, tạo nên một dãy phố sầm uất buôn bán hàng sơn khảm trai cùng với đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa 100%. Cảnh vật, con người nơi đây toát lên một vẻ trù phú, ấm no.
Địa chỉ nhận khảm trai theo yêu cầu khách hàng – Thôn Ngọ đã được công nhận là “Làng nghề truyền thống” và đã được phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, đền thờ Đức Trương Công Thành đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nghề khảm trai truyền thống ở thôn Ngọ không những làm cho người dân no ấm, nhiều đời vinh hiển mà còn góp phần làm đẹp và phong phú thêm cho “Quê hương mỹ nghệ – vùng đất trăm nghề” Hà Nội
Nguồn: https://hanoi.gov.vn/dsdoanhnghiep/-/hn/xDketMxZ5CEc/1201/46393/lang-nghe-co-son-kham-trai-chuon-ngo.html;jsessionid=8MJZQRRyIaRqGAspIkzLAaXo.app2