Gia đình nghệ Nhân nghề Khảm trai
Tác phẩm khảm trai truyền thần chân dung Bác Hồ của gia đình nghệ nhân Trần Bá Dinh
Khởi xướng dòng tranh khảm trai về Bác
Nghề khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) hình thành từ thời nhà Lý. Làng nổi danh xa gần với các sản phẩm khảm trai đầy tính nghệ thuật và sáng tạo. Gia đình nghệ nhân Trần Bá Dinh là một trong những gia đình làm nghề khảm trai từ khi nó còn sơ khai, đến thế hệ của anh Trần Bá Trúc đã là đời thứ 4 theo nghề.
Theo lời kể của vợ nghệ nhân Trần Bá Dinh thì ông Dinh được thừa hưởng “máu nghề” từ ông cha mình. Ông Dinh có sở thích tìm tòi những điều mới lạ nên bên cạnh việc làm các sản phẩm khảm trai phổ thông như sập gụ tủ chè để bán lấy thu nhập, ông còn luôn muốn thử thách bản thân ở những sản phẩm đòi hỏi sự tinh xảo và sáng tạo. Ông Dinh chính là người đầu tiên trong làng thực hiện việc khảm trai truyền thần các bức chân dung về Bác Hồ.
Ngay từ năm 1968, ông đã khảm thành công bức Chân dung Bác Hồ với các nét tỉa, khắc tinh tế, điêu luyện đã lột tả thần thái của vị lãnh tụ vĩ đại rất chân thực tự nhiên. Tác phẩm này của ông Dinh nhanh chóng trở thành niềm tự hào của làng nghề Chuôn Ngọ. Hài lòng với bức chân dung của chính mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Văn phòng đặt ông Dinh khảm chân dung Chủ tịch Fidel Castro để làm quà tặng trong lần Người cùng cán bộ Chính phủ tới thăm Cuba.
Khi biết tin ông Dinh ốm, mệt trong khi thực hiện bức khảm này, Bác đã gửi cho ông trà, đường để động viên. Sự quan tâm ấy của Người đã khiến ông Dinh vô cùng cảm động và dồn hết sức để tập trung sáng tạo ra bức chân dung Chủ tịch Fidel Castro chân thực, có hồn và hoàn thành đúng thời hạn cho kịp chuyến công tác của Bác. Sau đó, nghệ nhân Trần Bá Dinh còn tạo nên kỷ lục, làm hàng trăm bức khảm chân dung Bác Hồ và chuyên khảm trai truyền thần chân dung các lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Với mong muốn lưu giữ nghề cổ truyền nên nghệ nhân Dinh hăng say truyền nghề cho các học trò. Con trai ông, anh Trần Bá Trúc (42 tuổi) cũng là một học trò được ông rèn giũa rất nhiều. Ngay từ khi 15 tuổi, anh Trúc đã được bố đào tạo cho các kỹ thuật đơn giản để thực hiện một bức tranh khảm truyền thần Bác Hồ. Vì khi ấy tuổi đời còn ít, kinh nghiệm và kỹ thuật còn non nên anh Trúc chỉ thực hiện các công đoạn đơn giản như dũa xà cừ, công đoạn tỉa đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao độ thì ông Dinh tự mình đảm nhiệm.
Đâu đâu cũng thấy hình Bác
Anh Trúc chia sẻ, để làm ra một sản phẩm khảm trai phổ thông phải mất khá nhiều thời gian và công sức, bắt buộc phải qua 5 – 6 công đoạn. Trước tiên là công việc của người họa sĩ vẽ mẫu rồi đến thợ cưa, cắt theo họa tiết mẫu, áp miếng cắt đó vào gỗ. Thợ đục, thợ mài sẽ thực hiện công đoạn tiếp theo. Khó nhất là công đoạn tỉa. Người làm nghề thường phải dùng dao bằng thép tách tỉa ra các họa tiết nhỏ, dùng giấy ráp đánh cho nổi họa tiết lên, họa tiết càng nhỏ thì độ khó càng cao. Cuối cùng toàn bộ sản phẩm được đánh véc – ni cho bóng lên để họa tiết nổi lên sống động như một bức tranh.
Riêng khảm trai chân dung, đặc biệt là tranh truyền thần Bác Hồ thì các công đoạn và yêu cầu còn cao hơn. “Màu da trên gương mặt Bác với màu da tay phải tương đồng nên nguyên liệu phải cùng được làm từ những con ốc cùng màu, các chi tiết khác như màu áo, vạt áo, khuy áo cũng có yêu cầu khắt khe về màu sắc để có sự tương đồng nhưng vẫn có nét nổi bật. Vẽ truyền thần trên giấy cũng đã rất công phu, vẽ trên chất liệu vỏ trai ốc còn công phu gấp bội. Đó không chỉ là chạm khắc, tỉa tót cho giống vẻ bề ngoài mà còn cắt tỉa kỳ công và tỉ mỉ từng chút để gương mặt, khuôn miệng, nụ cười, lông mày, cử chỉ… đều toát lên được thần thái, tình cảm của Người”, anh Trúc cho biết.
Anh Trần Bá Trúc
Với những yêu cầu cao như vậy nên nếu kích thước tranh khảm trai chân dung Bác càng có khổ lớn thì việc tìm được những loại ốc to, đồng đều màu sắc cũng đã tốn rất nhiều công sức, thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Vợ ông Dinh kể rằng những bức chân dung về Bác, chồng bà thường thực hiện nhanh cũng hết tầm 6 tháng, lâu hơn thì có thể kéo dài hơn một năm ròng. Có những bức tranh mà thực hiện xong, ông Dinh giữ lại treo trong nhà chứ quyết không bán. Có lẽ đó cũng là lý do quanh nhà đâu đâu cũng thấy tranh khảm trai chân dung Bác, đó là bức Người vẫy tay được để cung kính ở chính giữa chiếc tủ chính gần bàn tiếp khách, bức Bác Hồ ngồi ghế mây treo ở tường gian trái, có cả nụ cười tươi rói của Bác khi bế một em thiếu nhi (bức khổ lớn đặt ở khu trưng bày các sản phẩm, bức khổ nhỏ treo ở gian phải nhà).
Chỉ vào bức tranh Bác Hồ với thiếu nhi, anh Trúc chia sẻ đây là bức anh đã cùng bố mình thực hiện, khi đó anh dũa xà cừ còn ông Dinh tỉa. Giờ tay nghề, kỹ thuật tỉa của anh Trúc đã tốt hơn ngày đó rất nhiều song để có được những bức truyền thần điêu luyện, tinh xảo về Bác như bố mình từng làm thì anh tin mình còn phải cố gắng hơn nữa. Anh cho rằng với sự nỗ lực ấy, anh cũng sẽ tiếp nối được những thành tựu mà bố để lại, cho ra đời những sản phẩm đẹp có kỹ thuật cao. Anh Trúc còn cho biết thêm, một học trò xuất sắc nữa của bố mình là nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh (hiện đang ở Bắc Ninh) cũng rất có tài và cũng nổi tiếng xa gần với những bức khảm trai truyền thần chân dung Bác Hồ rất đẹp.
Theo ông Nguyễn Đức Lư (Chủ tịch xã Chuyên Mỹ), khảm trai được xem là nghề chính, chiếm khoảng 67% tổng thu nhập so với các ngành nghề khác trong xã. Gia đình nghệ nhân Trần Bá Dinh, Trần Bá Trúc là một trong những gia đình làm nghề lâu đời nhất của xã và nổi danh với những tác phẩm kỹ nghệ độc đáo, đặc biệt là hàng loạt các bức tranh truyền thần về Bác Hồ. Sự nổi tiếng ấy cũng đã đem lại tiếng tăm không nhỏ cho cả làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ. Hiện trong làng còn có nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Lăng cũng có nhiều tác phẩm truyền thần độc đáo và tinh tế về Bác.
Nguồn: baomoi.com/gia-dinh-co-truyen-thong-kham-trai-truyen-than-bac-ho/c/15559019.epi